5 Nguyên tắc khen con đúng cách

Nguyên Tắc 1: “KHÔNG KHEN VÀO SẢN PHẨM MÀ KHEN VÀO QUÁ TRÌNH”

Khi con làm việc tốt, ba mẹ nên đưa ra những lời khuyên để khuyến khích và động viên con. Tuy nhiên thay vì khen kết quả con làm được thì ba mẹ có thể khen về quá trình. Việc ba mẹ nhìn nhận và đánh giá quá trình sẽ giúp con hiểu rằng những nỗ lực của con khi thực hiện việc gì đó mới khiến mọi người để tâm quan sát và đánh giá nhiều nhất, trẻ sẽ chú trọng và tiếp tục nỗ lực hơn nhiều để được người lớn công nhận, khen ngợi.

Ví dụ: Con tự gấp quần áo của mình, ba mẹ nên hạn chế khen “con giỏi quá”, thay vào đó ba mẹ có thể nói “Con phân loại quần áo rất tốt, mẹ thấy con gấp gọn gàng và tốt hơn những lần trước rất nhiều rồi”

Nguyên Tắc 2: “KHÔNG SO SÁNH VỚI CON NHÀ NGƯỜI TA”.

Việc so sánh những đứa trẻ với nhau là điều tối kị và ba mẹ càng nên cẩn trọng trước việc khen một đứa trẻ khác trước mặt con mình. Việc ba mẹ hay so sánh con cho dù con có thể hiện tốt hơn hay tệ hơn các bạn nhỏ khác cũng có thể khiến con cảm thấy tự ti, hoặc kiêu ngạo. Ba mẹ rất cần tiết chế trong việc sử dụng những từ chê bai, đặc biệt KHÔNG CHÊ CON TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG.

Nguyên Tắc 3: “KHÔNG NHÌN VÀO PHẨM CHẤT CỦA CON, MÀ NÊN NHÌN VÀO TRẠNG THÁI CỦA MÌNH”

Ví dụ: Ba mẹ không nên khen “con thông minh quá” (đó là phẩm chất của con).

Nên khen: “Con đã rất cố gắng trong kỳ thi lần này, mẹ rất vui và tự hào về con” (đó là trạng thái cảm xúc của mẹ)

Việc dành lời khen cho những việc làm tốt của con là động lực to lớn để giúp con nỗ lực hơn tuy nhiên việc khiến con nghĩ rằng bản thân con thông minh, giỏi giang hay xinh đẹp hơn người dễ khiến trẻ tự phụ, xem thường ý kiến, lời nói của người khác. Cũng sẽ có những trường hợp trẻ thấy những lời khen trái với thực tế và thất vọng về mình, và nghĩ ba mẹ nói dối mình.

Nguyên Tắc 4: “CHÚ Ý KHEN CẢ NHỮNG THỨ NHỎ NHẶT NHẤT, NHỮNG THỨ CON KHÔNG ĐỂ Ý”

Ví dụ: Việc chuẩn bị bát đũa trước khi ăn cơm vốn do mẹ đảm nhận, nhưng hôm nay con bê giúp mẹ chuẩn bị bát đũa, thì ba mẹ nên lập tức khen ngay hành động này của con.

Các con thường sẽ có cảm giác cực kỳ sung sướng về điều này, việc khen con cả những thứ con vô tình làm như thế sẽ giúp trẻ hiểu rằng hóa ra mọi công việc mình làm đều có mẹ quan sát và để tâm. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng thực hiện những điều này tốt hơn.

Nguyên Tắc 5: “TRUYỀN ĐẠT LẠI LỜI KHEN CỦA NGƯỜI KHÁC ĐẾN TRẺ”.

Nên tích cực truyền đạt lại lời của người khác khen con. Đôi khi có thể là mượn lời người khác.

Ví dụ: Thay vì khen con: “Con rất lễ phép với người lớn”

Mẹ có thể mượn lời của bố, hoặc người hàng xóm… : “Hôm nay đi qua nhà bác hàng xóm, bác ấy bảo mẹ, con rất lễ phép, lịch sự, biết chào hỏi người lớn đấy”.

Điều này làm lời khen có vẻ khách quan hơn. Con sẽ vui vẻ và những ngày sau đó luôn chào hỏi khi gặp mọi người.

Con làm tốt thì sẽ xứng đáng được nhận lời khen, nhưng khen con trẻ là cả một nghệ thuật và điều đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của con trong tương lai, vậy nên ba mẹ hãy tạo động lực cho con, luôn khuyến khích con làm những điều tốt phù hợp với khả năng của mình!

-----------------------------------------------------------------------------------------

Lincoln School - Missions for Liberal Arts

☎️ Hotline: 093.635.5656

 Email: info@lincolnschool.edu.vn

➡️ Fanpage: Lincoln School

Địa chỉ: Trường tiểu học Lincoln, khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội